Chiếc bánh cóng tròn xinh, nóng hôi hổi, bao quanh là những loại rau xanh mơn mởn. Chén nước mắm đỏ au màu cà rốt đặt cạnh. Một bức tranh ẩm thực hài hòa sắc vị, háo hức chờ thực khách nếm thử.

Rất nhiều món bánh dân dã của miền Tây thường hội tụ đầy đủ sản vật của vùng sông nước như hạt gạo, tôm cá, rau trái… Nhưng tôi yêu bánh cóng nhất. Từ cách kết hợp nguyên liệu, chế biến, cách thưởng thức đều rất thú vị.

bánh cóng miền Tây

Có lẽ cũng cần nói qua về tên gọi ngộ nghĩnh này: bắt nguồn từ dụng cụ đổ bánh. Tên gọi không mỹ miều, lấy luôn tên cái cóng cho tiện, hồn hậu như tính cách người miền Tây. Chính xác là bánh cóng chứ không phải “bánh cống” như nhiều người vẫn gọi.

Thành phần cơ bản là bột gạo nhưng cách pha bột phải trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh ngon hay không là nhờ khâu này, đòi hỏi người làm bánh phải giàu kinh nghiệm.  Thêm đậu xanh và gia vị vào bột. Đậu xanh chỉ hấp cho chín tới, vừa nứt vỏ chứ không chín nhừ, sao cho khi bánh chín vẫn còn vị bùi bùi thơm thơm. Có nơi thêm khoai môn, nơi thêm củ sắn hoặc thịt heo bằm, trứng gà. Bột pha sền sệt chứ không loãng như bánh xèo, dùng hết trong ngày để tránh bị chua.

Chiếc cóng đổ bánh thường làm bằng nhôm, nhưng có nơi bằng inox, có nơi bằng tre, làm sao cho chiếc bánh cỡ nắm tay người lớn.

Chọn tôm tươi là một khâu quan trọng. Con tôm phải còn nguyên đầu và đuôi, thân tròn lẳn, lóng lánh. Tôm ươn thì chiếc bánh coi như bỏ. Khi bánh chín, vỏ tôm giòn rụm, cắn ngập răng thấy thật thơm, thật ngọt mới đạt.

bánh cóng miền Tây 1

Khi đổ bánh phải lắc khuôn sao cho lượng nhân và bột cân đối rồi đặt con tôm lên trên cùng. Đợi dầu sôi già, nhúng vào ngập khuôn, canh vài phút cho bánh chín vàng là vớt ra, tránh để lâu bánh bị ngấm dầu.

Trước khi chiên phải chuẩn bị rau, gồm xà lách, diếp cá, húng quế, cải bẹ, đọt xoài… Và không thể thiếu nước chấm. Pha nước mắm theo tỉ lệ thích hợp với đường hoặc nước dừa, khi ăn thì cho thêm cà rốt và củ cải thái sợi.

Cách thưởng thức cũng nhiều điều thú vị. Có người cắt bánh ra làm tư, cho vào chén với ít rau sống, rưới nước mắm lên. Có người lấy cải bẹ xanh làm lớp vỏ ngoài, cuốn với bánh và các loại rau khác rồi đẫm vào nước mắm.  Người khác thì dùng tay bẻ bánh ăn để thưởng thức hương vị nguyên thủy, hoặc trộn chung với bún trong tô lớn như chả giò.

Dẫu có là cách ăn nào thì cắn một miếng bánh cóng giòn rụm, nóng hổi vẫn cứ ngon tuyệt. Vị ngon ngọt của tôm tươi; vị bùi béo của bột gạo, đậu xanh, khoai môn; vị nhân nhẫn của cải, chát của đọt xoài, chua ngọt của nước mắm cứ du dương hài hòa vào nhau. Tôi yêu bánh cóng!

Tổng hợp