Từ nguyên liệu chính là ruột của các loại cá biển, người dân vùng duyên hải miền Trung đã chế biến ra một loại mắm ruột rất đặc biệt. Tuy không phổ biến như những loại mắm ở miền Tây Nam bộ, nhưng mắm ruột vẫn khiến người ăn thấy hấp dẫn và lạ miệng.

Mắm ruột từ lâu là món ăn khoái khẩu của người dân 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Vì sống ở miền biển nên từ bé, tôi đã đôi ba lần được thưởng thức món ngon này. Nhớ ngày trước, mỗi lần vào mùa cá, người ta bắt cá lấy phần ruột bên trong để làm mắm.

Tôi vẫn còn nhớ mỗi lần rong ruổi theo bạn ven làng chài chơi vũ cầu (trò chơi đánh cầu). Bóng rơi vào nhà người ta, phải trèo tường vào nhặt ra. Sau mỗi bức tường ấy, tôi thấy người ta giăng một vài hũ bằng sành, bên trong đựng đầy mắm ruột. Khi có gió cũng đủ làm người đi ngang thấy nôn nao vì cái mùi ngai ngái mà đặc trưng.

Ngày ấy, người ta thường làm mắm ruột bằng cá thu hoặc cá ngừ mới được đánh bắt từ ngoài khơi mang về, còn tươi sống. Những con cá lớn độ chừng 3-5kg bắt đầu được xẻ dọc bụng, lấy phần ruột bên trong, cắt thành khúc ngắn rồi trộn chung với muối. Tỉ lệ giữa muối và ruột cá quyết định đến độ thơm ngon, đậm đà của món mắm ruột. Sau khi ủ muối xong, ruột cá sẽ được cho vào từng hũ, khạp bằng sành, sứ, đậy thật chặt rồi mang phơi ngoài nắng lớn độ 3-5 ngày, đến khi ruột cá chín thành mắm là được.



Ngày nay, ít người làm mắm ruột để ăn vì thế mà mắm ruột cũng không còn phổ biến như trước nữa. Vì nhớ hương vị quen thuộc, vì ấn tượng với món ăn dân dã mà ngon miệng nên nhiều lần tôi nảy ra ý định làm lại món mắm này.

Thay vì ruột cá thu, cá ngừ, tôi sử dụng ruột cá bò dại dương. Ruột cá này làm mắm ăn rất ngon, lại có mùi thơm, bùi rất đặc biệt. Nhưng vì cá hiếm nên để làm được một hũ mắm ruột không phải là dễ. Khi có được loại ruột cá mình muốn, tôi ủ nó với muối rồi mang đi phơi nắng thật lớn. Vài ngày sau khi mắm chín là có thể lấy ra dùng.

Ngày trước, mẹ thường phi thơm một ít tỏi với dầu ăn, rồi cho mắm ruột vào quậy đều, nêm nếm ít bột ngọt, đường, ớt vào để giảm vị mặn của mắm. Khi hỗn hợp mắm chuyển qua màu nâu sẫm, hơi sệt lại là được. Người ta lấy mắm này để ăn kèm với thịt luộc, cà phá, rau sống hay cơm trắng. Về sau, để đổi vị cho các thực khách của mình và cũng nhằm làm mới món ăn, tôi dùng mắm ruột ăn kèm với loại cơm nắm được chiên vàng giòn.

Vị bùi bùi, mằn mặn của mắm ruột hòa quyện cùng cái giòn ruộm của cơm nắm thật đặc biệt và tinh tế.

Theo 24h.com

Tổng hợp