Em vừa mới sinh được 01 bé trai nặng 2.9kg (con so). Trong thời gian mang thai, em có đi khám thai định kì tại BV Phụ Sản Bán Công Bình Dương (7lần). Em cũng sinh em bé ở đây. Trong hai thời gian đó BS nói con em bình thường và lúc sinh ra cũng không mắc bệnh gì cả. Vậy mà khi em đưa bé đi chích ngừa tại BV (2 tháng tuổi) thì BS Nhi Khoa nói con em bị bệnh Down...(Thảo Nhi - Bình Dương)

Em vừa mới sinh được 01 bé trai nặng 2.9kg (con so). Trong thời gian mang thai, em có đi khám thai định kì tại BV Phụ Sản Bán Công Bình Dương (7lần). Em cũng sinh em bé ở đây. Trong hai thời gian đó BS nói con em bình thường và lúc sinh ra cũng không mắc bệnh gì cả.

Vậy mà khi em đưa bé đi chích ngừa tại BV (2 tháng tuổi) thì BS Nhi Khoa nói con em bị bệnh Down. Em như chết lặng trước lời thông báo của BS, em rầt buồn và khóc. Sau đó, em bế bé lên phòng khám thai hỏi thì họ lục hồ sơ ra và nói rằng do Down của bé rất nhỏ nên siêu âm không phát hiện ra được và họ cũng chỉ khám theo siêu âm thôi.

Hiện giờ em dang rất buồn và hoang mang. Em không dám nói cho chồng mình biết và không biết khi nào mình sẽ nói. Em cũng không biết phải làm sao. Hiện nay bé gần 3 tháng tuổi nhưng chỉ được 5kg thôi. Bé vẫn rất linh hoạt và cười nói bình thường như những bé khác (Theo lời nhận xét của BS). Xin vui lòng cho em biết em phải làm sao và phải chăm bé như thế nào cho đúng cách. Em nghe nói bệnh này thì chậm phát triển so với những bé khác và có hơi biến dạng về khuôn mặt, đúng không ạ ? (nghĩa là không giống mẹ cũng không giống ba). Bé đang bú mẹ và bú bình. Bé bú rầt nhiều. (Thảo Nhi - Bình Dương)

Trả lời:

Chị Nhi thân mến,

Chúng tôi xin cung cấp cho chị một số thông tin thêm về Hội chứng Down và cách chăm sóc bé.

Down là gì?

Hội chứng Down là tình trạng chậm phát triển tâm thần có kèm đặc điểm thể chất được nhận dạng rõ ràng do bất thường bẩm sinh về số lượng nhiễm sắc thể thứ 21 từng phần hay hoàn toàn.

Biểu hiện

Trẻ được sinh ra, cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể đã nhận thấy nét mặt đặc biệt của trẻ như: mắt xếch, có mí thứ 3, trán rộng,  vùng chẩm phẳng (không có sọ dừa), mũi tẹt, lưỡi to hay thè ra ngoài. Trẻ ít khi ngậm miệng, có khoảng cách xa hơn giữa ngón chân cái và ngón trỏ, bàn tay ngắn bất thường về đường chỉ tay, tai bất thường về cấu trúc…

Ngoài những đặc điểm về cấu trúc trên, trẻ với hội chứng Down còn kèm theo tim bẫm sinh chiếm 40-50 % trẻ có hội chứng Down. Bất thường tiếp theo là trẻ bị dò khí quản thực quản, hẹp thực quản, phình đại tràng, không có hậu môn chiếm 5-12 % (mổ cấp cứu ngay sau sinh). Một phần nhỏ khoảng 3 % trẻ với hội chứng Down bị cườm bẩm sinh (cần giải quyết sớm sau sinh).

Để chẩn đoán một cách chắc chắn

Muốn chẩn đoán chắc chắn có thể xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ của trẻ để trả lời chắn chắn.

Chăm sóc và giúp trẻ bị hội chứng Down phát triển tốt nhất theo khả năng của trẻ?

Khi được biết trẻ có hội chứng Down, cha mẹ cần được gia đình hoặc nhà tâm lý nâng đỡ trước tiên vì chỉ khi nào cha mẹ chấp nhận trẻ với tất cả những khiếm khuyết hiện tại của trẻ, không phải hình ảnh đứa con mà cha mẹ đã tưởng tượng khi mẹ mang thai.

Vượt qua buồn đau, thất vọng, mặc cảm tội lỗi với ánh mắt của những người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp, cha mẹ sẽ cần đưa trẻ đến khám ở các chuyên khoa theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Vì trẻ với hội chứng Down có trương lực cơ yếu nên cần theo dõi khả năng lật, đi của trẻ để phát hiện và tập vật lý trị liệu tại bệnh viện hay các trung tâm phục hồi chức năng kịp thời cho bé. Tập vật lý trị liệu giúp trẻ chậm lật mau biết lật, chậm đi mau biết đi. Từ đó trẻ có thể khám phá thế giới xung quanh trẻ dễ dàng hơn.

Nhiều báo cáo cho biết khoảng 60 % trẻ với Down nghe kém do đó nên khám tai (đo thính lực) cho trẻ sớm để phát hiện kịp thời khả năng nghe của trẻ ở bênh viện Nhi đồng và trung tâm Tai Mũi Họng.

Bên cạnh đó, khoảng 40 % trẻ có hội chứng Down bị cận thị vi thế nên đưa trẻ khám chuyên khoa mắt trẻ em để phát hiện sớm.

Nếu trong vài năm đầu tiên trẻ ít lên cân hoặc bị suy dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ có bệnh tim bẩm sinh kèm theo, cha mẹ cần đưa trẻ khám khoa dinh dưỡng. Sau đó ở giai đoạn dậy thì trẻ có thể bị béo phì, vì vậy cần xây dựng thói quen ăn uống phù hợp, tránh quá nhiều năng lượng và khuyến khích trẻ tập thể dục đều đặn.

Trẻ em với hội chứng Down thường hay bi nhiễm trùng hô hấp, đôi khi phải nhập viện nhất là ở những trẻ bị tim bẩm sinh. Ngoài ra trẻ còn có thể bị viêm tai giữa ,viêm da, viêm âm hộ. Dó đó cần chú ý vấn đề giữ ấm đủ và giữ vệ sinh cá nhân của trẻ.

Khoảng 20 % trẻ có hội chứng Down có  thể bị suy giáp do đó trẻ cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp mỗi năm .

Tất cả các trẻ này cần được đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ nhất là lãnh vực ngôn ngữ, nhận thức và xã hội.Trẻ với hội chứng Down cần được kích thích, chơi phù hợp với tuổi phát triển nhất là được khích lệ và giao tiếp thường xuyên để trẻ được hiểu và được cư xử như là một con người .

Khi đến tuổi vị thành niên trẻ cũng cần được giáo dục giới tính phù hợp và có chế độ theo dõi để tránh tình huống lạm dụng tình dục gây hậu quả tiêu cực đến tâm lý của trẻ và gia đình sau này.

Tùy theo kết quả đánh giá khả năng phát triển toàn diện của trẻ từ chuyên viên tâm lý, trẻ cần được học theo chế độ giáo dục đặc biệt ở trường chuyên biệt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường và chuyên viên tâm lý đem đến cách nhìn mới tích cực cho các trẻ với hội chứng Down nói riêng và các trẻ chậm tâm thần nói chung.

Bác sĩ Quỳnh Trang - BV Nhi Đồng I


Theo MeVaBe