Hiện nay tôi đang mang thai 11 tuần. Trước đó, tôi đang điều trị cường giáp, được 6 tháng. Trong khi mang thai, khoảng 3 tuần đầu tôi có uống Propylthiouracil (10 viên), Levothyrocyl (10 viên), B complex C (10 viên) và thuốc đau bao tử: moprazone 20mg (6 viên), neopeptin (6 viên), stoccel P 20g (6 viên). Xin Mẹ và Bé tư vấn giúp: các loại thuốc trên có ảnh hưởng đến thai nhi không? Mức độ ảnh hưởng? Xin cám ơn! (Thùy Lam)

Hiện nay tôi đang mang thai 11 tuần. Trước đó, tôi đang điều trị cường giáp, được 6 tháng. Trong khi mang thai, khoảng 3 tuần đầu tôi có uống Propylthiouracil (10 viên), Levothyrocyl (10 viên), B complex C (10 viên) và thuốc đau bao tử: moprazone 20mg (6 viên), neopeptin (6 viên), stoccel P 20g (6 viên). Xin Mẹ và Bé tư vấn giúp: các loại thuốc trên có ảnh hưởng đến thai nhi không? Mức độ ảnh hưởng? Xin cám ơn! (Thùy Lam)

Trả lời:

Chị Thùy Lam thân mến,

Các thông tin chúng tôi cung cấp dưới đều mang tính tham khảo, chị không dùng để áp dụng và tự điều trị cho mình. Lời khuyên của chúng tôi là chị đọc kỹ tất cả hướng dẫn sử dụng. Khi đi khám thai sản vào tuần thứ 12, chị có thể mang theo các vỏ thuốc và hỏi bác sĩ thăm khám trực tiếp. Nên nói rõ tiền sử điều trị bệnh của mình để các bác sĩ trực tiếp giúp chị. Trường hợp của chị cần sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ sản và bác sĩ nội tiết.

Tìm hiểu về cường giáp

Tuyến giáp nằm trước cổ, có hình con bướm. Tuyến giáp tiết ra nội tiết tố giáp có tác dụng điều hòa chuyển hóa năng lượng, sự tăng trưởng của cơ thể, sự phát triển hệ thần kinh tâm thần... Cường giáp là tình trạng tuyến giáp bài tiết quá nhiều nội tiết tố giáp làm cho cơ thể tăng hoạt động, ví dụ: tim đập nhanh, thở nhanh, nóng nực...

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cường giáp là bệnh Basedow (hay bệnh Grave) do hệ thống miễn dịch của bệnh nhân kích thích tuyến giáp hoạt động quá mạnh tiết ra nhiều nội tiết tố giáp. Một số nguyên nhân khác: bướu giáp đa nhân hóa độc, u độc tuyến giáp, viêm giáp...

30% bệnh nhân Basedow có thể có lồi mắt, gây xốn mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc, nặng có thể loét giác mạc và tổn thương thần kinh thị giác

Khi uống thuốc trị cường giáp cần chú ý

- Bác sĩ có thể cho uống thuốc làm tuyến giáp giảm bài tiết nội tiết tố giáp [propylthiouracil, thiamazole (methimazole)] trong thời gian kéo dài khoảng 15 tới 18 tháng

- Uống đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ

- Không nên tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc khi thấy đỡ

- Không nên ăn muối iod hay các thức ăn có nhiều iod (rau câu, rong biển...) trong thời gian điều trị cường giáp.

- Ở một số rất ít người dùng thuốc propylthiouracil, methimazole có thể gây giảm bạch cầu làm giảm sức chống đỡ vi trùng, do đó cần phải đi khám lại ngay khi bị đau họng hay sốt.

Các cách điều trị ngoài uống thuốc

- Có thể uống I131 (Iod đồng vị phóng xạ) sẽ tập trung vào tuyến giáp làm phá hủy tuyến giáp nên bài tiết nội tiết tố giáp sẽ giảm. Tuy nhiên không dùng được cho trẻ em và phụ nữ có thai. Về sau có thể suy giáp vĩnh viễn.

- Có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp. Tuy nhiên có thể có biến chứng như tổn thương thần kinh gây khàn tiếng, suy giáp...

Cường giáp có thai

Khi mang thai chị lưu ý: Cường giáp làm tăng tỷ lệ thai chết lưu do đó cần theo dõi đánh giá tình trạng thai trong 3 tháng cuối – thai bị ngạt sau đẻ do bướu tuyến giáp của thai chèn ép đường thở - tuy hiếm nhưng đầu thai có thể khó lọt khi chuyển dạ và cần phải mổ.

Phụ nữ bị bệnh mà mang thai cần được thầy thuốc chuyên khoa nội tiết và thầy thuốc sản khoa phối hợp theo dõi. Nếu có nghi ngờ về kết quả điều trị ở nơi đang chữa thì có thể đến các cơ sở y tế ở tuyến trên; ở Hà Nội có bệnh viện nội tiết là tuyến cao nhất của chuyên khoa này (phố Thái Thịnh).

Các thuốc chị hỏi

- Propylthiouracil (PTU): Thuốc kháng giáp tổng hợp, liều lượng điều chỉnh theo diễn biến lâm sàng và lượng thyroxin trong máu. Propylthriouracil ít khả năng đi qua bánh rau và sữa mẹ, có thể coi là thuốc thích hợp nhất. Thuốc này có thể làm cho việc tiết hoóc môn kích thích tuyến giáp của thai nhi bị ức chế, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh bướu giáp tạm thời hoặc suy tuyến giáp.

- Levothyrocyl (Levothyroxin): được dùng để phòng ngừa chứng phình giáp ở bệnh nhân đang uống thuốc kháng giáp.

- B complex C: Không chống chỉ định cho thai phụ nhưng chị cần uống theo hướng dẫn của bác sĩ để cả 2 mẹ con có lượng vitamin cân bằng.

- Các thuốc điều trị dạ dày (bao tử) đều phải do bác sĩ kê đơn, không nên uống tùy tiện.

Chúc Chị và Bé khỏe mạnh!

Tổng hợp


Theo MeVaBe