Tôi muốn hỏi rằng khi mang thai tôi có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ được không? Nếu muốn khám thai thì nên có lịch khám như thế nào là an toàn và hiệu quả nhất? (Thu Thùy - Hải Dương)

Tôi muốn hỏi rằng khi mang thai tôi có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ được không? Nếu muốn khám thai thì nên có lịch khám như thế nào là an toàn và hiệu quả nhất? (Thu Thùy - Hải Dương)

Trả lời:

Chị Thùy thân mến,

Các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày được đặc chế để làm sạch vùng kín những không ảnh hưởng đến độ pH và các vi khuẩn thường trú có ích như lactobacillus (doderlein) nên có thể dùng trong thai kỳ!

Chị lưu ý

Không nên dùng dung dịch vệ sinh để thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo. Một số thành phần của thuốc như chlorine, chất khô da... dễ gây viêm âm đạo. Thụt rửa trong tình trạng viêm nhiễm âm hộ, âm đạo có thể gây nhiễm trùng ngược lan rộng, khiến bệnh tình trầm trọng và khó chữa hơn.

Tuyệt đối không dùng thuốc rửa phụ khoa để vệ sinh các vùng khác trên cơ thể.

Khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa, nếu thấy vùng kín bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, bạn nên ngưng sử dụng ngay và đến bác sĩ. Có thể bạn đã bị dị ứng với một thành phần nào đó trong thuốc rửa.

Không nên lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Bản thân dung dịch này là hóa chất, dùng nhiều quá sẽ không tốt cho cơ thể và làm mất cân bằng sinh thái môi trường âm đạo.

Đối với trường hợp dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ phối hợp điều trị viêm nhiễm (ngứa): Cần xác định nguyên nhân rõ ràng, hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa và mua đúng loại dung dịch cần thiết (Chúng tôi sẽ có bài viết về vấn đề này trong thời gian tới)

Lịch khám thai

Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được gọi là 1 tam cá nguyệt, tương ứng với 13 tuần.

- Tam cá nguyệt đầu (3 tháng đầu): Từ khi mang thai đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi.

- Tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): Là giai đoạn tăng trưởng, nếu tình trạng thai chậm phát triển xảy ra trong thời kỳ này thì thường rất nặng.

- Tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Là giai đoạn tăng trọng, thường xuất hiện những biến chứng của thai kỳ như cao huyết áp do thai, tiền sản giật, chảy máu âm đạo do nhau tiền đạo...

Lịch khám tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng tam cá nguyệt. Ngoại trừ lần khám trước khi mang thai để xác định sức khỏe và tiêm phòng như rubella, v.v... (Các bà mẹ Việt Nam thường bỏ qua) thì lần khám đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh. Đây là lần khám rất quan trọng, nhất là với những người từng sẩy thai trước đó, vì bác sĩ sẽ tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai. Từ đó đến khi được 28 tuần, thai phụ sẽ đi khám 4 tuần/lần, tiếp theo là giai đoạn khám 2 tuần/lần (đến 36 tuần tuổi). Giai đoạn cuối cùng, thai phụ phải đến gặp bác sĩ hằng tuần. Với những thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sinh non, mẹ có bệnh lý..., bác sĩ sẽ cho lịch khám riêng.

Trong quá trình khám thai, người mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván với 2 mũi, cách nhau 1 tháng, mục đích là phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh, mỗi mũi tiêm ngừa cách nhau 1 tháng.

Các xét nghiệm cần làm trong thai kỳ gồm: xét nghiệm nhóm máu, Hemoglobin (xác định tình trạng thiếu máu, thiếu sắt), đường trong máu, bệnh lây truyền qua đường tình dục (như viêm gan B, giang mai, HIV, lậu...).

Chúc Chị và Bé mạnh khỏe!

Thực hiện Kỳ Sơn


Theo MeVaBe