Tết những món xào sẽ làm cho bạn cảm thấy ngán. Món luộc sẽ được nhiều người ưa chuộng, nhưng làm thế nào để món luộc ngon. Dưới đây là bí quyết của một số món luộc ngon.

Luộc là một trong các món ăn chế biến đơn giản nhất, nhưng để có món luộc ngon thì không đơn giản. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn trổ tài khéo léo khi chế biến các món luộc:

 
1. Luộc gà
 

Để luộc ga ngon, trước hết bạn phải làm cho gà thật sạch, nhặt hết lông măng, xát chút muối rồi rửa cho sạch hết, sau đó cho gà vào nồi lúc nước lạnh, đập thêm vài củ hành khô và một mẩu gừng vào, cho thêm ít muối hoặc bột canh vào nước luộc, đun sôi thì để lửa nhỏ, thỉnh thoảng cho thêm một chút nước lạnh vào nồi.

Khi kiểm tra thấy gà đã chín thì tắt bếp, đậy vung để om gà trong nước nóng khoảng 25-30 phút, sau đó bật lửa đun sôi lại, khi sôi thì tắt bếp, vớt gà ra cho vào nước sôi để nguội, cho thêm đá vào nước để gà đang nóng gặp lạnh sẽ co lại làm da căng mọng, ăn rất ngon. Sau cùng vớt gà ra để ráo, phết lên bên ngoài một chút mỡ gà hoặc dầu mè cho bóng là được.

Hay Nếu luộc gà già, bạn nên cho táo mèo (sơn tra) vào, thịt gà sẽ mau mềm, thời gian nấu nướng cũng được rút ngắn. Cũng có thể cho vào miệng gà một thìa giấm trong khi làm gà, sau đó đun gà với lửa nhỏ, thịt gà sẽ mau chín và nhừ.

Muốn trông gà vàng ươm thì lấy nước mỡ gà quết lên da. Muốn chặt gà đẹp, bạn hãy để ráo nước và thật nguội mới chặt.
 
2. Luộc thịt bò bắp
 

Để thịt mềm, thơm khi cho thịt vào nồi đập thêm một củ xả, một miếng gừng, cho thêm ít mắm, ngũ vị hương, và khoảng 1-2 thìa cà phê rượu trắng vào ít nước, cho bắp bò vào đun cạn, cho thêm một ít nước lạnh vào đun tiếp gần cạn rồi vớt thịt ra.

3. Luộc rau
 

Tùy từng loại rau mà ta có thời gian luộc khác nhau. Đối với các loại rau xanh như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống... khi luộc cần cho nước nhiều cùng vài hạt muối, đun lửa thật to cho nước sôi già mới cho rau vào.

Với tất cả các loại rau trong việc giữ màu xanh tươi ngaon là sau khi vớt rau ra khỏi nồi nước sôi thì cho rau vào ngâm trong nước lạnh (nước đá) khoảng 2-3 phút thì vớt rau ra để ráo, rau vừa xanh lại vừa giòn. Nhưng cách này làm mất một số vitamin trong rau.

4. Luộc tôm
 

Khi tôm vừa chín tới, dưới sức nóng của nhiệt, nó sẽ uốn mình lại giống hình một nửa vòng tròn. Nếu để tôm uốn mình đến độ đầu đụng vào đuôi, thì chúng đã bị nấu quá kỹ, sẽ mất ngọt cũng như dễ bị xám.

 

5. Luộc trứng

Cho trứng cùng với nước lã vào nồi rồi đun sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp nhưng vẫn ngâm trứng trong nồi khoảng 5 phút. Làm cách này trứng vừa chín tới, lòng đỏ không bị chín kỹ quá, dễ hấp thu. Bên cạnh đó, lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ.

6. Luộc lòng lợn
 
 
Để lòng được trắng và giòn, khi luộc, đun nước thật sôi mới thả lòng vào. Lúc lòng chín tới (khoảng 10 phút sau khi thả lòng vào nước) , vớt ra đem nhúng ngay vào chậu nước có pha một chút phèn chua (nước phèn này đã được đun sôi để nguội), ngâm cho đến khi lòng nguội thì vớt ra xắt miếng vừa ăn.  Làm như thế, lòng sẽ trở nên trắng không bị thâm đen, khi ăn rất giòn.
7. Luộc chân giò
 

Với thịt chân giò, nhất là miếng bắp giò, thì trước khi luộc, bạn hãy dùng sợi dây lạt bó miếng thịt lại cho chặt. Sau khi luộc chín, vớt ra cho vào một tô nước lạnh ngâm chừng 5 phút, để miếng thịt trông trắng và sạch hơn, bạn cũng có thể vớt ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh, lúc ăn mang ra thái miếng mỏng bày ra đĩa trông đẹp mắt.

Tổng hợp, Đinh Huyền
Amthuc365.vn

 

 

Tổng hợp