Mặc dù có tên là ngán, nhưng khi đã được thưởng thức loại hải sản này một lần thì chắc hẳn các mẹ sẽ phải nhớ mãi hương vị ngon, ngọt rất đặc

Con ngán to hơn con ngao, nhưng vỏ ngán không trơn như vỏ ngao mà lại sần sùi và thường có màu cát. Ngán chỉ có vào mùa hè và mùa thu, còn mùa đông do thời tiết lạnh nên ngán trốn sâu dưới bùn, rất khó bắt.

Trước đây khoảng 2 – 3 năm ngán vẫn còn rất nhiều, dễ đánh bắt nên giá khá rẻ. Nhưng vài năm trở lại đây, để mua được một kg ngán không phải là chuyện dễ, chỉ thỉnh thoảng mới thấy gặp một hàng bán ngán biển tươi sống ngoài chợ, và giá thì cao ngất ngưởng. Mình thích ăn ngán Quảng Ninh, Hải Phòng hơn các loại ngán được nhập từ miền Nam về. Nếu mẹ nào sành ăn và hay ăn món ngán thì chắc chắn sẽ phân biệt được sự khác nhau của hai loại ngán này. Ngán Quảng Ninh, Hải Phòng có vị ngọt, béo, ngậy và rất thơm, còn ngán miền Nam nhập về mặc dù con to, màu đẹp nhưng lại nhạt hơn rất nhiều.

Giá 1kg ngán sống khoảng 300.000 đồng (đối với loại 20 con/kg), và 400.000 đồng/kg (đối với loại khoảng 13 - 15 con/kg). Có vài lần mình cũng gặp những hàng bán ngán to, ngon nhưng chỉ ở mức giá 200.000 – 250.000 đồng/kg thôi. Mình đoán đó là loại ngán nuôi trong miền Nam nên cũng chưa mua thử lần nào.

Ngán chế biến được đủ các món như: ngán luộc, ngán nướng, ngán hấp, cháo ngán, ngán xào mì và rau cải, gỏi ngán, ngán kho tiêu, canh ngán… Con ngán có tính hàn, mát, lành và cực kỳ bổ dưỡng nên rất thích hợp để các mẹ đưa vào thực đơn tẩm bổ cho gia đình vào những dịp cuối tuần như thế này.

Sẽ là thiếu sót nếu như nói về ngán mà lại không đề cập tới món rượu ngán. Mình không uống bao giờ, nhưng nghe ông xã tả lại thì: “rượu ngán không hề có mùi tanh, có vị cay cay, thơm nồng của rượu hòa quyện với vị mặn mòi, ngai ngái của ngán, uống vào thấy không say mà cũng chẳng tỉnh, cứ ngất ngây, lơ mơ thế thôi”. Cuối tuần, các mẹ mua ngán về rồi dành vài con ra để làm rượu ngán “thưởng” cho các “đức ông chồng”, đảm bảo ông chồng nào cũng phải thích mê lên cho mà xem.

Cách làm rượu ngán cũng đơn giản lắm.  Đầu tiên các mẹ rửa sạch ngán, cho vào nước nóng trần qua cho sạch rồi vớt ngay ra, tách ruột ngán cho vào cốc. Các mẹ lấy đũa dằm, đánh nhuyễn con ngán ra rồi chế rượu vào, sau đó khuấy đều. Nếu cốc rượu có màu hồng của tiết ngán, không còn mùi tanh, uống vừa mát vừa ngậy thì đã đạt tiêu chuẩn.

Bản thân mình thì thích món ngán nướng hơn. Thích nhất là ngồi bên cạnh bếp, nhâm nhi từng con ngán nóng hổi. Có một điểm mà các mẹ nên chú ý đó là không nên cho gia vị, hạt tiêu, mì chính vào trong con ngán rồi mới nướng, bởi vì làm như vậy thì con ngán sẽ quắt đi, hết ngậy, hết thơm, hết ngọt, ăn không còn mùi vị đặc trưng của ngán nữa.

(Theo Eva)

Tổng hợp